Sáng 13/4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tiến hành “cấy” trở lại vào hồ Hoàn Kiếm mẫu nước có màu xanh lục đặc trưng bằng phương pháp công nghệ tiên tiến, nhằm trả lại màu xanh vốn có của hồ trước khi cải tạo.
Những mẫu nước này đã được Trung tâm thử nghiệm và môi trường nước của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lấy từ ngày 18/11/2017 trước khi tiến hành cải tạo, nạo vét toàn bộ hồ. Từ đó đến nay, 22 can mẫu nước, mỗi can 100 lít đã được liên tục nuối cấy bằng phương pháp sục khí 24/24h tại phòng thí nghiệm công nghệ cao.
Cách đây 5 tuần, khi thời tiết thuận lợi, Công ty bắt đầu đem ra hiện trường “cấy” lại dọc khu vực ven bờ phía đường Đinh Tiên Hoàng. Hôm nay, tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 ở phía giáp phố Lê Thái Tổ – Hàng Khay và khu vực trung tâm hồ.
Đánh giá cao việc làm thận trọng và tuân thủ quy trình của TP cũng như Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, các nhà khoa học cho rằng cần tiếp tục theo dõi, đánh giá do đây là lần đầu tiên, Hà Nội thực hiện việc “cấy” lại tảo lục nhằm trả lại màu xanh đặc trưng cho hồ Hoàn Kiếm như trước đây.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ – Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) chia sẻ với tintuctrongngay.org: Đây là một ý tưởng tốt của Hà Nội, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để có kết quả tốt hơn thì nên khoanh vùng thực hiện trước rồi mới nhân rộng ra toàn hồ. Vì với số lượng nước mẫu ít mà đem cấy cả hồ rộng lớn thì như muối bỏ bể, chưa biết liệu sẽ có kết quả cao.
GS.TS Mai Đình Yên khuyến nghị, đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện việc cấy lại mẫu để trả lại màu xanh cho hồ Hoàn Kiếm. Nếu quyết tâm trả lại màu xanh lục cho nước hồ thì nên phát triển thêm cả hệ sinh thái trong hồ để hỗ trợ cho tảo lục phát triển.
Theo các nhà khoa học, tảo lục là loài tảo tạo nên màu xanh cho nước hồ và không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, thủy sinh và môi trường hồ. Trong khi, tảo lam là loài tảo độc, khi chết gây ô nhiễm và tạo mùi hôi. Do đó, nhiệm vụ hiện nay là phải tiếp tục theo dõi và duy trì tảo lục phát triển, hạn chế tảo lam sinh trưởng sau cải tạo.
Được biết, sau khi “cấy” lại mẫu đợt 1, một tuần trước, các đơn vị, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra tổng thể. Kết quả cụ thể sẽ được phân tích và công bố trong thời gian tới. Đồng thời, một số mẫu khác vẫn còn được lưu giữ tại Viện sinh thái tài nguyên môi trường và trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Trước đó, từ 28/11/2017 đến 31/1/2018, với 29 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách TP, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tổ chức cải tạo môi trường nước Hồ Hoàn Kiếm bằng cách nạo hút bùn, sau đó làm sạch nước hồ.
Khối lượng bùn thải lưu cữu dưới đáy hồ được nạo vét đến 90% so với kế hoạch đề ra (tổng khối lượng theo kế hoạch nạo vét là 57.400m3). Để hoàn thành công việc, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã huy động hơn 1.000 cán bộ công nhân viên đã thay nhau làm việc không ngày nghỉ.
Công tác nạo vét bùn trong lòng hồ Hoàn Kiếm được chia thành 2 phương pháp, nạo vét thủ công và cơ giới (sử dụng máy hút). Phương pháp thủ công sẽ do các công nhân trực tiếp xuống lòng hồ trong phạm vi 7m từ chân kè ra để nạo vét. Bùn được nạo vét bằng xẻng vào xô, sau đó vận chuyển dây chuyền theo từng người. Bùn đất tiếp tục được đổ vào xe chuyên dụng đã chờ sẵn trước khi được công nhân đẩy ra xe chứa, chở đi. Phương pháp thứ hai là nạo vét cơ giới. Các đơn vị sẽ dùng máy xúc đứng trên phà nhỏ xúc bùn lên phễu chứa của xe bơm bùn công suất 80 mét khối/giờ.
Trong quá trình cải tạo nạo vét bùn hồ Hoàn Kiếm, các biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến nước hồ đã được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội áp dụng triệt để. Do vậy, các chuyên gia đánh giá công tác nạo vét đã cơ bản đã hoàn thành đúng yêu cầu đề ra.