Tin xã hội – đời sống:Dù rằng, vẫn biết không ít cán bộ tha hóa, nhưng tới mức, vòi tiền của người đã lâm cảnh cùng cực thì dư luận thực sự phẫn nộ.
Theo tin tức trên báo tintucmoinhat.org, ông Nguyễn Văn Đức (ngụ khóm 11, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị vợ bỏ nhà đi biệt xứ để lại hai con thơ dại. Năm 2016, bệnh gan của ông Đức trở nên nghiêm trọng, ông quyết định làm đơn yêu cầu TAND huyện Trần Văn Thời giải quyết cho ông được ly hôn.
Từ đây, một loạt chuyện đau lòng xảy ra với gia đình ông Đức. Người nhà ông Đức tố cáo (lúc này ông Đức đã mất), thẩm phán Trần Thanh Toàn đã gây khó khăn khi thụ lý vụ án để vòi tiền. Quá mệt mỏi về gia cảnh, về chuyện lên xuống tòa và bức xúc vì bị vòi vĩnh tiền, đến khi tòa tuyên án cho ly hôn, ngay hôm sau ông Đức cũng qua đời. Ông bỏ lại hai đứa con thơ cho mẹ già của mình. Không có gì bi thương hơn.
Nhưng chưa hết… Vì hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình làm đơn xác nhận trẻ mồ côi để hưởng trợ cấp. Không thông cảm cảnh khốn khổ của gia đình ông Đức, một lần nữa vị thẩm phán Trần Thanh Toàn tiếp tục gây khó để vòi tiền.
Thậm chí, ông Toàn còn dám nhắn tin cho người nhà ông Đức: “Con anh bệnh, chuẩn bị đi Sài Gòn. Xem như giúp nhau đi, anh cũng khó lắm. Chuyển anh 2 triệu nhé”.
Khi người nhà ông Đức không đồng ý, ông Toàn gọi điện thoại nói: “Chi 2 triệu đồng để được hưởng chế độ của Nhà nước lâu dài mà em nói không đáng là sao?”. Nhưng rồi người nhà ông Đức cũng chẳng có 2 triệu mà đưa, nên cho đến hiện giờ, gia đình ông Đức vẫn chưa nhận được giấy xác nhận!?
Nội dung trên chỉ là tố cáo, người đọc cũng không muốn tin nó là sự thật. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, thẩm phán Toàn đã phải thừa nhận: “Có nhận khoản tiền, là do ông Đức “dúi vào túi quần tôi 1 triệu đồng”…”.
Còn với tin nhắn chuyển 2 triệu đồng, ông thẩm phán Toàn lại cho rằng: “Nói chơi cho vui để thử xem họ thế nào”. Không gì trắng trợn và trơ trẽn hơn.
Vậy vì sao vẫn còn không ít những con người táng tận lương tâm như thế?
Chúng tôi đặt câu hỏi này bởi, đây không còn là chuyện cá biệt. Các quan tham này, từ việc ăn chặn của người cùng khổ nhất, như tiền hỗ trợ cho người nghèo, gà hỗ trợ cho gia đình khó khăn cũng đi “lạc” vào nhà quan xã, rồi dê “lạc” vào tận nhà quan đầu huyện…
Để xảy ra hiện trạng này, có thể nhận định do các chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa đủ nghiêm.
Bởi, nhìn lại một loạt những vụ việc “ăn không trừ thứ gì” của dân, họ đã bị kỷ luật như thế nào sẽ thấy khá rõ: Chủ yếu là rút kinh nghiệm.
Hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã, đang chỉ đạo quyết liệt chống tham nhũng. Dư luận hy vọng rằng, những “bầy sâu” sẽ dần dần bị tiêu diệt, hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ được phơi bày ra ánh sáng.
Ngâm hồ sơ đòi chi tiền
Theo gia đình ông Đức, sau khi tiếp nhận hồ sơ, TAND huyện yêu cầu đóng 2 triệu đồng đăng báo trong vòng 3 tháng. Việc làm này mục đích xác nhận vợ ông Đức mất tích. Trong thời gian chờ đợi giải quyết ly hôn, ông Đức tới lui tòa nhiều lần mà không có kết quả.
“Tôi nghe anh Đức thuật lại là thẩm phán Trần Thanh Toàn yêu cầu đưa 1 triệu đồng để lo việc. Hôm sau tôi đi cùng anh Đức lên gặp ông Toàn hỏi thì ông này viện đủ lý do khó khăn.
Cuối cùng, để được việc anh Đức đành đưa tiền cho ông Toàn ngay trong phòng làm việc và được ông này hứa chỉ phải lên một lần là xong vụ việc” – bà Nguyễn Thị Dung (em gái ông Đức) kể.
Theo bà Dung, sau lần đó, ông Toàn lại tiếp tục vòi đưa thêm tiền. “Anh tôi phải vay mượn để đưa tiếp cho ông Toàn” – bà Dung bức xúc.
Ngày 14-7-2017, tòa đưa vụ việc ra xử, thẩm phán Toàn làm chủ tọa phiên tòa. Kết quả là ông Đức được ly hôn, được quyền nuôi hai con. Một ngày sau khi có phán quyết của tòa, ông Đức đột ngột qua đời, bỏ lại hai con thơ cho mẹ già 64 tuổi.
Sau khi ông Đức mất, nhà trường thấy hoàn cảnh của hai bé con ông Đức quá khó khăn nên yêu cầu người nhà làm đơn xác nhận trẻ mồ côi để hưởng trợ cấp.
Bà Nguyễn Thị Hường (mẹ ông Đức) lên UBND thị trấn Sông Đốc nộp đơn, được một cán bộ hướng dẫn lên tòa xin xác nhận đăng báo trường hợp mất tích của vợ ông Đức mới đủ điều kiện làm thủ tục trẻ mồ côi.
Bà Dung gọi điện nhờ, ông Toàn nói: “Khó lắm”. “Tôi sợ trình bày không rõ nên bấm điện thoại nhờ cán bộ ở thị trấn nói chuyện với ông Toàn. Nói chuyện xong, ông Toàn nói gia đình tuần sau lên nhận giấy xác nhận nhưng chuyện cứ nhùng nhằng mãi” – bà Dung kể.
Tiếp tục vòi vĩnh
Theo bà Dung, thực ra ông Toàn chỉ hứa lèo, rồi ông Toàn nhắn tin cho bà Dung để vòi tiền: “Con anh bệnh, chuẩn bị đi Sài Gòn. Xem như giúp nhau đi, anh cũng khó lắm. Chuyển anh 2 triệu nhé”.
Bà Dung trả lời không đồng ý thì ông này gọi điện thoại nói: “Chi 2 triệu đồng để được hưởng chế độ của Nhà nước lâu dài mà em nói không đáng là sao”.
Nhận được đề nghị này, bà Dung nhắn tin nói sẽ tố cáo hành vi vòi tiền của ông Toàn, ông này nhắn lại. “Gì vậy nhỏ, hung dữ quá. Mới thử một câu là nghiêm trọng rồi…”.
Bà Dung nhắn tin yêu cầu ông Toàn làm việc đúng lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, đồng thời khẳng định không lấy được một đồng nào từ gia đình.
Ông này nhắn tin cảnh báo: “Em đánh giá anh tầm thường quá rồi. Anh không cần tiền bạc gì đâu. Anh thử thái độ của em thôi, anh không sợ gì. Khi có kết quả anh báo nhé, an tâm đi và đừng làm gì cho chuốc họa vào thân”.
Bà Dung nhắn tin lại nói ông Toàn: “Nói được phải làm được”. Ông Toàn nhắn lại ngay: “Anh nói rồi, anh đang nghiên cứu vì việc không đơn giản. Tuần này anh bận quá nhưng sẽ kịp thôi. Rồi em sẽ thấy người tốt”.
Những tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi, nào ngờ ông Toàn vẫn bặt vô âm tín. Chờ mãi không được, ngày 26-10 bà Dung gọi điện cho ông Toàn nói tới lui hoài tốn kém nên muốn đưa luôn 2 triệu đồng như ông này gợi ý.
Ông Toàn cười khà khà khẳng định: “Được. Nói thật không phải không có cái đó mà nó khó khăn hay lâu gì. Tại vì phải trao đổi với cán bộ thị trấn xem cần tháo gỡ cái gì. Trước lạ sau quen, chẳng qua giao lưu nhậu nhẹt lai rai với anh em vui vậy thôi chứ có quái gì đâu…”.
Hôm sau, ông này gọi điện thông báo xong xác nhận và gửi tin nhắn để bà Dung chuyển tiền vào số tài khoản của Agribank chi nhánh Năm Căn (Cà Mau) mang tên Trần Thanh Toàn.
Ông Toàn nói vậy nhưng trên thực tế đến nay bà Dung vẫn chưa nhận được giấy xác nhận. Bà Dung cũng không chuyển tiền cho ông Toàn.
Thẩm phán Toàn nói gì?
Ngày 30-10, phóng viên tin tức xã hội liên hệ với thẩm phán Trần Thanh Toàn để xác minh các vấn đề gia đình ông Đức tố cáo. “Tôi làm bằng cả tấm lòng để giúp gia đình ông Đức. Tôi thử xem họ làm gì, mọi chuyện tự họ đề nghị như vậy” – ông Toàn giải thích.
Khi chúng tôi đề cập việc gia đình ông Đức tố cáo bị ông Toàn nhiều lần vòi tiền, buộc gia đình phải đưa tiền. Lúc này, ông Toàn mới thừa nhận có lấy 1 triệu đồng và lý giải: “Ông Đức bỏ tiền trong phong bì dúi vào túi quần tôi 1 triệu đồng gọi là tiền anh em uống cà phê. Tôi tính không lấy nhưng họ năn nỉ nên tôi tạm thời cầm đó, tính sau”.
Ông thấy việc nhận tiền của đương sự có đúng không? Trả lời câu hỏi này, ông Toàn khẳng định: “Đương nhiên là không đúng rồi. Nói thật tôi ráng buộc lòng lại, cứ nghĩ cầm đó ít bữa rồi trả chứ có tính lấy đâu”. Vậy ông trả tiền chưa? Ông Toàn thừa nhận: “Chưa có cơ hội trả”.
Theo ông Toàn, sở dĩ ông nhắn tin yêu cầu bà Dung gửi 2 triệu đồng nhằm mục đích: “Nói chơi cho vui để thử xem họ thế nào”.
Nếu chỉ “nói chơi cho vui” tại sao ông lại gửi thông tin số tài khoản để bà Dung chuyển tiền? Ông Toàn giải thích: “Tôi thử hơi bị hố. Nhưng nếu gia đình họ gửi tôi sẽ yêu cầu ngân hàng ngay lập tức chuyển lại hoặc tôi báo cáo lãnh đạo chi tiết số tiền để trả lại”.
Chỉ đạo xác minh
Trao đổi với tintucmoinhat.org, ông Giang Trung Kiên – chánh án TAND huyện Trần Văn Thời – cho biết chưa nắm được đơn thư tố cáo hành vi vòi tiền đương sự của thẩm phán Trần Thanh Toàn.
“Từ thông tin được cung cấp, tôi sẽ chỉ đạo xác minh vụ việc” – ông Kiên khẳng định.
Theo ông Kiên, thẩm phán Toàn thuộc biên chế của TAND huyện Năm Căn. Do án nhiều, thiếu thẩm phán xét xử nên chánh án TAND tỉnh điều động ông Toàn về TAND huyện Trần Văn Thời làm việc thời hạn một năm. Đến đầu tháng 2-2018, nhiệm vụ của ông Toàn kết thúc.